Gợi ý những điểm du xuân miền Bắc cho dịp Tết Nguyên Đán
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || ).push({});
Phố cổ Hà Nội
Tuyệt vời nhất là bạn có đủ thời gian để trải nghiệm Hà Nội trước và sau dịp Tết nguyên đán. Thời điểm trước Tết, người người, nhà nhà nô nức đi mua sắm bánh mứt, giò chả, quần áo mới, mua cây đào, cây quất và cùng nhau gói bánh chưng. Tết đến xuân về đến chúc tết họ hàng, bạn bè, lên chùa cầu an, lên phố chụp ảnh và ăn những bữa cơm quây quần bên gia đình trong niềm hạnh phúc vô giá. Sau Tết là khi các lễ hội ở đồng bằng Bắc bộ đồng loạt diễn ra ở tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Chắc chắn bạn sẽ có nhiều trải nghiệm về văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương.
Sa Pa (Lào Cai)
Đây là dịp để du khách du ngoạn Sa Pa không chỉ được thưởng thức những giai điệu khèn ngọt ngào, réo rắt do các nghệ nhân nổi tiếng từ khắp các bản làng Tây Bắc thể hiện mà còn được chiêm ngưỡng những điệu múa khèn vô cùng độc đáo. Bên cạnh đó là các màn biểu diễn nghệ thuật vùng cao trong không gian văn hóa Tây Bắc đặc trưng với nếp nhà sàn, chợ bản, các trò chơi dân gian cùng những màn đua ngựa độc đáo… Không chỉ thế, bạn còn có thể hoà mình vào những lễ hội mang đậm văn hoá Tây Bắc tại Sun World Fansipan Legend diễn ra từ ngày 27.1-27.2.2020.
Ngoài ra, du khách còn được tham gia các hoạt động du lịch tâm linh trên đỉnh Fansipan như, chiêm bái xá lợi Phật linh thiêng được đặt trang trọng và tôn nghiêm trong lòng Đại tượng Phật A Di Đà – bức tượng Phật bằng đồng cao nhất Việt Nam; vãn cảnh cầu an tại quần thể tâm linh linh thiêng với những công trình kiến trúc mang dáng dấp chùa Việt thế kỷ 15-16 được tạo dựng kỳ công trên đỉnh Fansipan như Bảo An Thiền Tự, Bích Vân Thiền Tự, Kim Sơn Bảo Thắng Tự…
Mộc Châu (Sơn La) và Mai Châu (Hoà Bình)
Mộc Châu cũng là cái tên quen thuộc đối với các tín đồ du lịch bởi phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, vẻ đẹp thơ mộng của núi rừng Tây Bắc. Mỗi dịp Tết đến xuân về, Mộc Châu như khoác lên mình chiếc áo mới, với những vườn hoa đào, hoa mận, hoa cải nở rộ, những đồi chè xanh như những lớp sóng xanh nối dài trên các triền núi….
Một điểm đến khác cũng bình yên và trong trẻo không kém Mộc Châu chính là địa danh Mai Châu. Bạn sẽ được ngắm khung cảnh hùng vĩ và vẻ đẹp của núi đá, hang động và cả những thung lũng yên bình ngập trong sương sớm.
Mai Châu còn nổi tiếng với nét văn hóa dân tộc truyền thống qua các lễ hội đặc sắc. Điển hình như Lễ hội Xên bản, Xên mường của dân tộc Thái tổ chức vào tháng Giêng âm lịch hằng năm; Lễ hội Lồng Tồng của người Tày diễn ra từ mùng 5 đến 15 tháng Giêng âm lịch…
Hạ Long (Quảng Ninh)
Với những ai yêu thích mạo hiểm và muốn trải nghiệm cảm giác “cực đã” thì các trò chơi cảm giác mạnh tại công viên Rồng – Dragon Park là gợi ý đặc biệt thú vị. Ở mỗi góc của Dragon Park, bạn lại được quăng mình vào những cảm xúc khác nhau, khi thư giãn trôi theo con thuyền trên Dòng sông lơ đãng, lúc lại muốn bật tung sảng khoái với Vòng xoay tử thần, Tê giác cuồng nộ, Phi long thần tốc…
Bên cạnh đó, du khách đến Quảng Ninh dịp Tết còn có thể tham gia nhiều lễ hội lớn như Lễ hội Yên Tử – tổ chức hàng năm trong khoảng thời gian mùng 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch, Lễ hội đền Cửa Ông (từ mùng 2 Tết đến hết tháng 3 âm lịch), Lễ hội Tiên Công (bắt đầu từ ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch)…
Ninh Bình
Về Ninh Bình chắc hẳn không thể bỏ qua trải nghiệm ngồi trên thuyền khám phá Tràng An. Với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp cùng những dòng sông uốn lượn chảy qua những dãy núi đá vôi đã tạo nên vô vàn hang động tự nhiên huyền ảo, kỳ bí cho nơi đây. Rất gần với Tràng An là Hang Múa, nơi được mệnh danh là Vạn lý trường thành của Việt Nam khi hội tụ cả vẻ đẹp thiên nhiên và tâm linh với 486 bậc đá, ngắm trọn vẹn phong cảnh Tam Cốc.
Một điểm được nhiều du khách ghé thăm dịp năm mới chính là ngôi chùa Bái Đính, nằm cách thành phố Ninh Bình 15 km, là một trong những ngôi chùa có quy mô lớn nhất Việt Nam. Lễ hội Chùa Bái Đính khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Ngoài ra, các lễ hội khác như Lễ hội Tràng An, Lễ hội Hoa Lư cũng được tổ chức vào khoảng đầu và giữa tháng 3 âm lịch.
Hà Giang
Những ngôi nhà của người dân vùng cao với lối kiến trúc đặc trưng nằm trải dài bên những ngọn núi, thoắt ẩn thoắt hiện trong sắc hồng của hoa đào mùa xuân là hình ảnh cực kỳ cuốn hút, làm ai đến đây cũng mê mệt không muốn về.
Không có phản hồi