Tích cổ sau cái tên của Tứ Đại Đỉnh Đèo trên đất Việt
Đèo Ô Quy Hồ ( Lào Cai và Lai Châu )
Đỉnh đèo Ô Quy Hồ nằm giữa mây núi ngút ngàn của dãy Hoàng Liên Sơn, nên nó còn được gọi với cái tên đèo Mây. Những năm trời lạnh, đỉnh đèo có thể phủ kín băng tuyết. Không chỉ hiểm trở, trước kia, đoạn đèo này còn gắn với câu chuyện về những con hổ thần rình bắt người qua lại, nên rất ít người dám vượt qua.
Đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang)
Đèo Mã Pí Lèng theo âm tiếng H’Mông là Mả Pí Lèng (còn đọc là Mã Pì Lèng, Mã Pỉ Lèng) là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20km, có độ cao 2.000m, nối hai huyện Mèo Vạc với Đồng Văn. Mã Pí Lèng theo tiếng Quan Hỏa chỉ “sống mũi con ngựa” theo nghĩa đen. Có ý kiến gán nghĩa bóng cho tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa.
Trước những năm 1960, hơn 8 vạn người Mèo thuộc 4 huyện ở phía sau các dãy núi hùng vĩ của cao nguyên Đồng Văn không có khái niệm đường đi trên Mã Pí Lèng. Bao đời họ chỉ biết vượt Mã Pí Lèng bằng cách đóng cọc treo dây trên vách đá để bò qua chín khoanh đèo hun hút, lởm chởm đá tai mèo dựng đứng. Dốc Chín Khoanh leo tới đỉnh Mã Pí Lèng còn gọi là con dốc của Trời.
Cung đường Mã Pí Lèng nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc trong đó có đoạn đèo 9 khoanh dài 20 km, mà về sau công cuộc xây dựng chúng trở thành một kỳ tích mà nhiều người ví như một “Vạn Lý Trường Thành” của Việt Nam.
Đèo Pha Đin (Sơn La)
Người Lai Châu (cũ, nay là Điện Biên) và Sơn La từ xa xưa còn lưu truyền câu chuyện kể về cuộc bàn thảo tìm cách vạch định ranh giới của hai địa phương bằng một cuộc đua ngựa vượt dốc Pha Đin. Người và ngựa của cả hai phía đều đồng thời xuất phát từ hai dốc đèo. Hai dũng sĩ và hai con tuấn mã đều có sức mạnh và ý chí như nhau nên khoảng cách mà họ đi được cho tới địa điểm gặp nhau trên đèo không chênh lệch bao nhiêu. Tuy vậy, phần ngựa Lai Châu phi nhanh hơn nên phần đèo thuộc về Lai Châu dài hơn một chút so với phần phía Sơn La.
Hiện con đèo Pha Đin chỉ còn ít xe cộ lưu thông qua hơn vì từ năm 2009, tuyến đường tránh đèo Pha Đin đã được xây dựng bám theo sườn núi với đỉnh đèo phụ phía trái Quốc lộ 6 cũ, có độ cao khoảng 1.000m, thấp hơn đèo Pha Đin 200 – 400m giúp xe cộ lưu thông qua địa phận này an toàn hơn.
Đèo Khau Phạ (Yên Bái)
“Khau Phạ” trong tiếng Thái nghĩa là “Sừng Trời” do các chóp núi thường nhô lên giữa biển mây bao quanh như một chiếc sừng. Tiếng Mông gọi nơi này là “Đở Chua” tức là đỉnh núi có nhiều gió. Đèo này đẹp nhất vào mùa lúa, tầm tháng 9 tháng 10, khi lúa trên chân ruộng bậc thang chín vàng nương.
So với các đèo còn lại, Khau Phạ có những nét đẹp rất riêng. Khác với cái nắng nóng, khô cằn thường thấy ở Tây Bắc do ảnh hưởng của gió Lào, trên cung đường Khau Phạ gió mát quanh năm, mây mù bao phủ. Nơi đây như một điểm hội tụ những giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu nhất của tộc người Mông trên đất Mù Cang Chải.
Không có phản hồi